Khoan Giếng - Làm cầu
20/10/2024 16:35
Người nông dân đội những giỏ đựng dưa chuột băng qua dòng nước sông Hằng tại Phaphamau
Nhân Ngày Lương thực Thế giới, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các nhà lãnh đạo kinh tế cần lắng nghe nhu cầu của những người ở đáy chuỗi thực phẩm. Và trong một bài đăng trên X, ngài lên án vấn đề chi tiêu quân sự và kêu gọi đầu tư để chống lại nạn đói nghèo.
Tác giả: Linda Bordoni
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn cách tiếp cận hai hướng cho thông điệp của ngài nhân Ngày Lương thực Thế giới năm nay, lên án việc chi tiêu quá nhiều cho vũ khí và quân dụng trong khi với số tiền đó có thể được đầu tư vào việc chống lại nạn đói, và kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hãy lắng nghe nhu cầu của những người ở đáy chuỗi thực phẩm.
“Chiến tranh bộc lộ những điều tồi tệ nhất của nhân loại: sự ích kỷ, bạo lực và gian dối”, ngài nói trong bài đăng trên X vào sáng thứ Tư nhân kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới vào ngày 16 tháng 10. Ngài nói thêm: "Chúng ta hãy chối từ lập luận ủng hộ vũ khí và thay vào đó hãy chuyển hướng các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ thành các khoản đầu tư nhằm chống lại nạn đói và tình trạng thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục".
Như thường lệ trong sự kiện thường niên này, ngài cũng gửi thông điệp đến Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) có trụ sở tại Rome, mời gọi các nhà lãnh đạo kinh tế cấp độ quốc tế “lắng nghe nhu cầu của những người ở đáy chuỗi thực phẩm, ví dụ những tiểu nông dân, và các nhóm xã hội trung gian, như gia đình là những người trực tiếp tham gia vào việc nuôi sống con người”.
Trong thông điệp do Đức Tổng Giám mục Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các Tổ chức và Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, đọc, Đức Giáo hoàng suy tư về chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới năm nay - “Quyền đối với thực phẩm vì cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn” - và lưu ý rằng cần có sự liên đới, công bình và chuyển đổi hệ thống lương thực nhằm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận được với thực phẩm bổ dưỡng và giá cả phù hợp.
“Đây là ưu tiên hàng đầu bởi vì nó đáp ứng một trong những nhu cầu cơ bản của con người: tự nuôi sống bản thân theo các tiêu chuẩn định lượng và định tính đầy đủ”, ngài viết.
Bất chấp điều này, ngài nói thêm, “Chúng ta thường thấy quyền này bị xâm phạm và sử dụng cách bất bình đẳng, gây ra những hậu quả có hại”.
Một tiểu nông dân ở miền Nam châu Phi, khu vực đang bị hạn hán, lấy nước từ ao để tưới cho cây trồng của mình
Hãy lắng nghe tiếng nói của những người bị thiệt thòi
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha mời gọi sự quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của những người ở “đáy chuỗi thực phẩm”.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc các nhóm này trong quá trình ra quyết định, đặc biệt là khi thiết kế các chính sách và chương trình thực phẩm, đồng thời lưu ý rằng "Những nhu cầu thực sự từ bên dưới - nhu cầu của người công nhân, nông dân, người nghèo, người đói ăn và những người sống ở các vùng nông thôn xa xôi - không bao giờ được bỏ quên".
Nhắc nhở các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng công lý và tình huynh đệ phải là kim chỉ nam cho những nỗ lực của họ, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng lời mời gọi hành động này dựa theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12).
Những người nông dân trồng nho ở Afghanistan đối mặt với các thách thức do thiếu khả năng tiếp cận thị trường
Chuyển đổi hệ thống thực phẩm
Đức Giáo hoàng Phanxicô ca ngợi sáng kiến của FAO nhằm chuyển đổi hệ thống thực phẩm, mời gọi chuyển hướng sang tính bền vững, toàn diện và đa dạng trong sản xuất thực phẩm, đồng thời ngài kêu gọi tầm nhìn rộng hơn không chỉ xem xét đến các yếu tố kinh tế và môi trường mà còn cần xem trọng các khía cạnh xã hội và văn hóa trong việc nuôi dưỡng bản thân.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hệ thống thực phẩm nhằm cung cấp "đa dạng thực phẩm bổ dưỡng, giá cả phù hợp, lành mạnh và bền vững" nhằm đạt được an ninh lương thực toàn cầu và chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người.
Sinh thái toàn diện và phẩm giá con người
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của hệ sinh thái toàn diện và việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực cần phải được thực hiện hài hòa với việc bảo vệ môi trường và bảo vệ phẩm giá mỗi con người.
"Hành tinh của chúng ta, nơi Chúa đã ban tặng, phải là một khu vườn mở ra cho sự chung sống hòa bình", ngài nói thêm rằng cần phải có cam kết về mặt đạo đức cho hành động chống lại nạn đói nghèo.
"Chỉ khi lấy lý tưởng công bình làm kim chỉ nam cho hành động của mình, chúng ta mới có thể đáp ứng được nhu cầu cho con người", ngài nói.
Cam kết của Giáo hội
Sau cùng, Đức Giáo hoàng tái khẳng định sự dấn thân của Giáo hội trong việc xóa đói giảm nghèo và bày tỏ sự ủng hộ của Tòa thánh đối với FAO và các sáng kiến toàn cầu khác nhằm đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người.
"Giáo hội sẽ tiếp tục đóng góp không mệt mỏi để mọi người có đủ lương thực về cả số lượng và chất lượng", ngài kết luận và cầu xin Chúa ban muôn phước lành trên tất cả những ai nỗ lực vì mục đích cao cả này.
Ảnh: Đức Tổng giám mục Chica Arellano phát biểu tại FAO
Nguồn:https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-10/pope-francis-world-food-day-fao-message-investments-food-chain.html?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_campaign=NewsletterVN-EN
Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam
22/10/2024 12:18
Sáng Chúa Nhật ngày 20/10, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ tại quảng trường thánh Phêrô với nghi thức phong thánh cho mười bốn chân phước: trong đó có 11 vị tử đạo ở Damasco: gồm có cha Manuel Ruiz López và bảy bạn tử đạo Dòng Phanxicô, ba vị tử đạo Francesco, Mooti e Raffaele Massabki; Cha Giuseppe Allamano, Đấng sáng lập các dòng Truyền giáo Consolata, Nữ tu Marie-Léonie Paradis, Đấng sáng lập dòng Tiểu Muội Thánh Gia, Mẹ Elena Guerra, Đấng sáng lập Dòng “Các nữ tu Thánh Zita”.
18/10/2024 08:23
Theo dự kiến, vào ngày 21 tháng 11 năm 2024, Đức Giám mục Giáo phận sẽ truyền chức Linh mục cho Thầy phó tế Phêrô Trần Đình Duy