Theo thống kê tại Mỹ, cứ 10 người thì có tới 8 người bị đau lưng. Vấn đề đau lưng thật sự đáng báo động khi thống kê cho thấy 80% người lớn từng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động phải nghỉ việc để nhập viện cấp cứu.
Những ai thường bị đau lưng?
Bệnh đau lưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi cũng như không phân biệt nam nữ, giàu nghèo...Thống kê ở các nước Anh, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, tỷ lệ đau thắt lưng còn cao hơn, thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 30 đến 80.
Bệnh lý đau lưng có thể xảy ra rất đa dạng, ví dụ như sau chấn thương, té ngã, hoặc sau một hay vài ngày hoạt động thể lực gắng sức. Chúng cũng có thể xảy ra từ từ mà không có nguyên nhân rõ rệt. Tình trạng đau lưng có thể tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi nhưng cũng có thể ngày càng tăng ảnh hưởng đến công việc, hay sinh hoạt bình thường.
Mọi người đều có thể bị đau lưng, vì vậy chúng ta cần hiểu qua về vấn đề này để có hướng xử lý thích hợp cho bản thân và những nguời thân.
Nguyên nhân gây đau lưng
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, có thể do cơ học như chấn thương, lao động, tai nạn; có thể do bệnh lý hoặc bất thường cột sống bẩm sinh.
Đau lưng ở trẻ em và thiếu niên có thể do nguyên nhân cơ học như tư thế xấu khi sinh hoạt học tập, chấn thương do tai nạn hay thể thao, mang balô hay cặp sách quá nặng. Những lý do bệnh lý cũng khá thường xảy ra với các em như dị tật bẩm sinh hay mắc phải làm biến dạng cột sống (gù, vẹo), viêm khớp thiếu niên, lao cột sống, khối u...
Đối với người lớn, nhất là lứa tuổi lao động (30 - 60 tuổi), đau vùng lưng rất thường gặp làm cản trở sinh hoạt và công việc. Nguyên nhân thường gặp là do co cứng cơ và dây chằng quanh cột sống. Một nguyên nhân khác, nặng hơn là thoái hóa cột sống, trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm. Những nguyên nhân bệnh lý khác tương tự trẻ em đã liệt kê ở trên.
Đối với người lớn tuổi, hệ thống xương, khớp, đĩa đệm, dây chằng, cơ đều suy yếu do tuổi tác và vì tổn thương nhắc lại nhiều lần trong thời gian dài nên đau thắt lưng là hậu quả của thoái hoá cơ khớp, đĩa đệm, loãng xương cũng như các bệnh lý khác đã nêu ở trên.
Vị trí và tính chất đau
Cột sống bao gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực hay lưng, 5 đốt sống thắt lưng, tận cùng bằng xương thiêng (xương cùng) và xương cụt. Với cấu trúc gồm nhiều đốt, cột sống giúp cơ thể cử động mềm dẻo, linh hoạt như một trục chính với 4 chi xung quanh. Vùng thắt lưng là vùng vận động nhiều nhất, cũng là vùng chịu áp lực nhiều nhất do đó cũng là vùng thường bị tác động làm tổn thương các thành phần như đốt sống, đĩa đệm, dây chằng và cơ...
Mọi bất thường trong vận động hay bệnh lý đều có thể gây đau cột sống hay ngược lại, có thể đơn cử vài ví dụ như: đau mỏi cột sống khi bị sốt siêu vi, đau bụng kinh, thiếu máu trên bệnh nhân viêm cột sống mạn tính, teo cơ hay rối loạn điều khiển tiêu tiểu... Triệu chứng đau thắt lưng có thể khác nhau tùy bệnh lý và tùy theo cá nhân, có thể đau khu trú tại một, hai đốt sống, đau một bên hoặc lan toả cả hai bên... Tính chất đau cũng rất đa dạng, có người mô tả đau âm ỉ, mỏi, ê ẩm, có người đau như bị điện giật, hay nhói theo cử động...
Thông thường khi tình trạng đau thắt lưng có hướng lan xuống mông, đùi, chân, đi kèm cảm giác châm chích, tê, lạnh, bí tiểu, teo cơ là báo hiệu bệnh đã trầm trọng, đôi khi cần can thiệp phẫu thuật do có tổn thương rễ thần kinh xuất phát từ cột sống.
Các biện pháp xử trí bước đầu
Những điều nên làm khi bị đau lưng cấp tính (triệu chứng đau xuất hiện mới, kéo dài không quá 3 tháng).
- Nghỉ ngơi: bao gồm nghỉ ngơi toàn bộ cơ thể bệnh (tăng cường thêm thời gian nghỉ ngơi trong ngày như ngủ đủ giấc, ngủ trưa) và nghỉ ngơi vùng bị bệnh (nằm nghỉ tại giường khi đau).
- Biện pháp ngoài thuốc: chườm lạnh, massage, tập nhẹ cơ khớp xung quanh (chân).
- Thuốc giảm đau bậc 1: paracetamol, kháng viêm không steroid nhóm không cần toa như ibuprofen, naproxen... Nhưng cần thận trọng khi dùng thuốc khi đang có bệnh kèm theo như viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính...
- Đến khám tại cơ quan y tế nếu có các dấu hiệu báo động.
Xử trí đau thắt lưng mạn tính, bằng cách:
- Nghỉ ngơi.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ theo hạn định, không nên tự ý kéo dài toa thuốc, hay sử dụng đơn thuốc của người mắc bệnh tương tự.
- Xin ý kiến từ bác sĩ điều trị.
Những dấu hiệu báo động cần phải đến cơ quan y tế
- Đau mức độ nặng không giảm bớt khi nghỉ ngơi, và uống thuốc giảm đau bậc 1 hoặc đau mức độ trung bình trở nên nặng hơn hoặc không giảm sau 3 ngày.
- Có những triệu chứng đi kèm như: sốt, nôn ói, chóng mặt, lơ mơ, mệt lả, xanh xao, vàng da, chi lạnh, xuất huyết hay tụ máu ở vùng bị chấn thương.
- Đau khu trú một vị trí có liên quan tới cơ quan nội tạng như ngực (tim, phổi), bụng (dạ dày, gan mật, lách, tử cung), hông lưng (thận)...
- Dấu hiệu sinh tồn bị ảnh hưởng, như tăng hay giảm huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở.
|